Bạn Tâm Thư (p2)

bong bóng bay
Bong Bóng Bay

Vài ngày trước tôi có đăng một câu chuyện gọi là “Tiếng Bước Chân” tại đây trên /nosleep. Đã có nhiều câu hỏi khiến tôi tò mò về một số chi tiết về tuổi thơ tôi thế nên tôi đã trò chuyện với mẹ. Cảm thấy bị làm phiền bởi những câu hỏi của tôi, bà nói “Vậy sao con không kể luôn cho họ về những quả bong bóng bay nếu họ có hứng thú đến thế.” Ngay khi bà nhắc đến điều ấy tôi đã nhớ lại nhiều thứ về tuổi thơ mà tôi đã quên. Câu chuyện này sẽ cho bạn biết thêm ngữ cảnh về câu chuyện trước mà bạn nên đọc trước. Tuy trình tự không mấy quan trọng, nếu bạn đọc câu chuyện kia trước sẽ cho bạn hiểu thêm về hoàn cảnh của tôi hơn do tôi gợi nhớ về những diễn biến trong “Tiếng Bước Chân” trước. Nếu bạn có những câu hỏi hay bất cứ gì đừng ngại hỏi và tôi sẽ cố trả lời. Còn nữa, cả hai câu chuyện đều dài, tôi nói trước. Chỉ là tôi thấy không muốn bỏ mất những chi tiết có thể sẽ quan trọng.

Khi tôi năm tuổi, tôi đi học ở một trường mẫu giáo, từ những gì tôi hiểu sau này, rất cách tân về tầm quan trọng của việc học hỏi qua những hoạt động. Nó là một phần của chương trình mới được thiết kế để cho trẻ có thể phát triển theo tiến độ của riêng chúng, và để tạo điều kiện cho điều ấy, nhà trường đã khuyến khích giáo viên soạn những phương pháp giảng dạy sáng tạo. Mỗi giáo viên được phép chọn một chủ đề xuyên suốt năm học, và tất cả bài giảng trong môn toán, tập đọc, vân vân… sẽ được thiết kế theo chủ đề ấy. Những chủ đề này còn được gọi là các “Nhóm.” Có nhóm “Vũ Trụ”, có nhóm “Biển”, nhóm “Trái Đất” và nhóm của tôi là “Cộng Đồng.”

Trong đất nước này, bạn không học được gì nhiều trong trường Mẫu Giáo trừ cách tự buộc dây giày và cách chia sẻ, thế nên phần lớn đều không để lại nhiều ấn tượng. Tôi chỉ nhớ được hai điều duy nhất: tôi giỏi nhất là viết tên mình đúng cách, và dự án Bong Bóng Bay, là một dấu ấn của nhóm Cộng Đồng, vì nó là một cách khá thông minh để thể hiện cách một cộng đồng được vận hành ở mức độ rất cơ bản.

Bạn có lẽ cũng đã nghe đến hoạt động này. Trong một ngày thứ sáu đầu năm học (tôi nhớ nó là thứ sáu vì tôi đã rất phấn khích về hoạt động ấy và nó là ngày cuối tuần), chúng tôi bước vào lớp học trong buổi sáng và thấy có một quả bóng bay được thổi căng được cột bằng dây và được dán bằng băng keo vào từng bàn của chúng tôi. Trên bàn chúng tôi có bút lông, bút bi, một mảnh giấy, và một phong thư. Hoạt động này chính là viết một lời nhắn gửi lên giấy, đặt nó vào phong thư, rồi đính nó vào bóng bay mà chúng tôi có thể vẽ bất cứ gì lên nó nếu muốn. Hầu hết bọn trẻ bắt đầu giành nhau những quả bóng bay vì chúng đều muốn màu khác nhau, nhưng tôi đã bắt đầu viết thư của mình mà tôi đã nghĩ rất nhiều về nó.

Tất cả những lá thư đều có một dàn bài, nhưng chúng tôi được phép sáng tạo trong khuôn khổ. Lá thư của tôi có nội dung đại khái như sau: “Xin chào! Cậu đã tìm thấy bong bóng bay của tớ! Tớ tên là [Tên] và tớ học ở trường tiểu học ___________. Cậu có thể giữ quả bóng bay, nhưng tớ mong rằng cậu sẽ viết lại thư cho tớ! Tớ thích Mighty Max, khám phá, xây pháo đài, bơi lội, và bạn bè. Cậu thích gì? Viết lại cho tớ sớm nhé. Đây là một đô la để gửi thư!” Trên tờ một đô la đó tôi viết “ĐỂ MUA TEM” ở phía trước, mẹ tôi bảo nó không cần thiết phải làm thế, nhưng tôi nghĩ điều ấy thật thông minh, nên tôi đã làm thế.

Cô giáo chụp ảnh Polaroid từng người trong chúng tôi với những quả bóng bay của mình và cho chúng tôi để lá thư vào phong thư. Cô còn để một lá thư khác vào cùng đó mà tôi nghĩ rằng để giải thích cho hoạt động này và cảm kích cho những ai muốn viết thư và gửi lại hình ảnh của thành phố hay khu dân cư của họ. Đó là toàn bộ nội dung của hoạt động – để tạo dựng một sự gắn kết cộng đồng mà không cần phải rời khỏi trường, và để thiết lập mối liên lạc an toàn với người khác; nghe có vẻ như là một ý tưởng vui nhộn…

Trong hai tuần tới chúng tôi nhận lại nhiều lá thư từ khắp nơi. Hầu hết có cả những hình ảnh của nhiều cảnh vật khác nhau, và mỗi khi nhận được lá thư, cô giáo sẽ đính nó lên một bức tường bản đồ lớn mà chúng tôi đã dựng lên để xem nó đến từ đâu và quả bóng bay đã đi được bao xa. Đó là một ý tưởng thông minh, vì chúng tôi đã thực sự muốn đến trường để xem mình có nhận được thư hay không. Trong khoảng thời gian trong năm học chúng tôi có một ngày mỗi tuần để viết thư cho bạn tâm thư của mình hay của một học sinh khác trong trường hợp chúng tôi chưa nhận lại thư của mình. Lá thư của tôi là một trong những lá thư cuối cùng. Khi tôi bước vào lớp, tôi nhìn lên bàn mình và một lần nữa lại không thấy một lá thư đang chờ tôi, nhưng khi tôi ngồi xuống thì cô giáo đã đến bên tôi rồi đưa cho tôi một phong thư. Trông tôi chắc là đã rất phấn khởi bởi khi tôi vừa định mở nó ra cô đặt tay lên tay tôi để dừng tôi lại rồi nói “Đừng buồn nhé.” Tôi đã không hiểu ý cô – tại sao tôi phải buồn khi nhận thư chứ? Thoạt đầu tôi đã cảm thấy thật lạ làm sao mà cô ấy có thể biết nội dung trong phong thư, nhưng giờ tôi nhận ra rằng tất nhiên các giáo viên đều đã đọc trước nội dung để chắc rằng nó không tục tĩu, nhưng dù gì thì – làm sao tôi có thể thất vọng chứ? Khi tôi mở phong thư ra, tôi đã hiểu.

Không có lá thư nào.

Thứ duy nhất trong phong thư là một ảnh Polaroid, nhưng tôi không thể nhìn ra nó là gì. Trông nó như một mảng sa mạc, nhưng nó quá mờ để có thể hiểu; như thể máy chụp ảnh đã bị di chuyển khi đang chụp tấm ảnh ấy. Không có địa chỉ gửi, thế nên tôi cũng không thể viết thư lại nếu tôi muốn. Tôi đã sụp đổ.

Năm học tiếp diễn, và những lá thư đã ngừng đến cho hầu hết tất cả học sinh khác. Suy cho cùng thì, bạn chỉ có thể tiếp tục viết thư với một học sinh Mẫu Giáo trong chừng bấy lâu. Tất cả mọi người, có cả tôi, đã gần như hoàn toàn không còn màng đến những lá thư. Và rồi tôi lại nhận được một phong thư khác.

Sự phấn khích của tôi như được hồi sinh, và tôi say sưa với sự thật rằng tôi vẫn còn nhận thư khi hầu hết những bạn tâm thư khác đã ngừng trao đổi. Đáng hiểu rằng tôi đã nhận được thêm một kiện ký gửi khác – trong lần trước tôi đã không nhận được gì ngoài một tấm ảnh mờ, thế nên lần này có thể là để bù đắp lại. Nhưng một lần nữa, lại không có lá thư nào khác… lại chỉ là một tấm ảnh.

Tấm ảnh này thì rõ hơn, nhưng tôi vẫn không thể hiểu nó. Nó hướng lên góc rất cao, bắt được một góc trên cùng của một tòa nhà, và phần còn lại đã bị mờ đi bởi tia lóa của ánh mắt trời.

Do những bong bóng đã không bay quá xa, và do chúng được thả trong cùng một ngày, tấm bảng lớn trở nên khá chật chội, và luật cho những học sinh nào vẫn trao đổi thư từ được sửa thành cho phép họ mang ảnh về nhà. Bạn thân Josh của tôi có lượng ảnh nhiều thứ hai mang về nhà khi năm học kết thúc – bạn tâm thư của cậu ấy đã rất hợp tác và gửi cho cậu ấy những tấm ảnh từ nhiều nơi khác nhau trong thành phố bên cạnh; Josh đã mang về nhà, tôi nghĩ tổng cộng bốn tấm ảnh.

Tôi có gần 50.

Những phong thư đều được mở ra bởi cô giáo, nhưng sau một lúc tôi còn không muốn nhìn chúng nữa. Tuy nhiên, tôi đã giữ chúng trong một ngăn kéo có đựng bộ sưu tầm đá, thẻ bóng chày, thẻ siêu anh hùng (Thẻ Metal Marvel, cho những ai còn nhớ), và những cái nón bóng chày tí hon tôi có được từ máy thẻ Winn-Dixie sau những trận bóng T-ball. Khi năm học kết thúc, tôi dành sự chú ý của mình cho những thứ khác.

Mẹ tôi mua cho tôi một máy làm đá bào trong Giáng Sinh năm ấy, và Josh đã rất thèm muốn nó – đến nỗi bố mẹ cậu ấy đã mua một cái máy khác xịn hơn nhân dịp sinh nhật. Mùa hè năm ấy chúng tôi đã có ý định rằng sẽ dựng một gian hàng bán đá bào để kiếm tiền; chúng tôi nghĩ rằng sẽ kiếm được một núi tiền khi bán những viên đá bào với giá một đô la. Josh sống ở khu khác, nhưng chúng tôi cuối cùng quyết định khu của tôi sẽ tốt hơn vì có rất nhiều người chăm sóc sân nhà của họ; những sân trước nhà trong khu dân cư của tôi thì lớn hơn một chút. Chúng tôi làm thế trong suốt năm tuần liền cho đến khi mẹ tôi bảo chúng tôi phải dừng lại, và tôi đến nay mới hiểu ra vì sao bà làm thế.

Trong tuần thứ năm, tôi và Josh cùng đếm tiền. Vì chúng tôi mỗi đứa đều có máy riêng và có hai cọc tiền riêng cùng gộp lại rồi chia đều. Chúng tôi đã kiếm được mười sáu đô la trong ngày hôm ấy, và khi Josh trả tờ một đô la thứ năm, một cảm giác kinh ngạc chiếm lấy tôi.

Trên tờ đô la ấy ghi “ĐỂ MUA TEM.”

Josh nhận ra cú sốc của tôi và hỏi liệu cậu ấy có đếm nhầm hay không. Tôi nói với cậu về tờ đô la ấy và cậu ấy nói, “Thế này hay thật!” Khi tôi nghĩ về nó, tôi đồng ý. Ý tưởng rằng tờ đô la ấy đã tìm được đường trở về với tôi sau khi đã qua tay nhiều người khiến tôi rất ngạc nhiên. Tôi chạy nhanh vào nhà và khoe với mẹ, nhưng sự phấn khích của tôi cộng với việc mẹ bị phân tâm bởi một cuộc điện thoại khiến câu chuyện của tôi khó hiểu và mẹ chỉ trả lời đơn giản bằng cách nói “Ồ chà, hay quá!” Chán nản, tôi chạy ra ngoài và nói với Josh rằng tôi có vài thứ muốn cho cậu ấy xem. Trở lại phòng, tôi mở ngăn kéo rồi lấy xấp phong bì ra và cho cậu ấy xem một vài tấm hình. Tôi bắt đầu với hình đầu tiên và chúng tôi xem qua khoảng mười hình thì Josh mất hứng và hỏi tôi có muốn đi chơi ở mương không (một con mương đất ở cuối đường nhà tôi) trước khi mẹ cậu ấy đến đón cậu ấy, và chúng tôi đã làm thế.

Chúng tôi đã chơi trò “chiến tranh đất” trong một lúc, nhưng nó đã bị làm gián đoạn nhiều lần bơi tiếng lạo xạo trong khu rừng xung quanh chúng tôi. Trong đó có gấu chồn và mèo hoang, nhưng lần này âm thanh quá lớn đến nỗi chúng tôi đã đoán già đoán non xem nó là gì để hù dọa lẫn nhau. Dự đoán cuối cùng của tôi là một xác ướp, nhưng Josh cuối cùng vẫn khăng khăng rằng đó là một người máy bởi những âm thanh chúng tôi nghe thấy. Trước khi rời đi, cậu ấy trở nên nghiêm túc hơn một chút và nhìn thẳng vào mắt tôi, nói, “Cậu có nghe thấy không? Nghe nó như một con rô bốt vậy. Cậu cũng nghe thấy mà phải không?” Tôi đã nghe, và vì âm thanh ấy nghe có vẻ máy móc nên tôi đồng ý rằng nó có thể là một người máy. Đến giờ tôi mới hiểu những gì chúng tôi đã nghe.

Khi chúng tôi trở lại, mẹ của Josh đang chờ cậu ở bàn ăn trong bếp cùng với mẹ tôi. Josh nói với mẹ cậu ấy về người máy kia, mẹ chúng tôi cười rồi Josh về nhà. Mẹ tôi cùng tôi ăn bữa tối, và tôi đi ngủ.

Tôi đã không ngủ lâu cho đến khi tôi rợn người rồi quyết định rằng, qua những gì xảy ra trong ngày, tôi sẽ xem lại những phong thư vì giờ đây toàn bộ mọi thứ dường như trở nên khá hào hứng. Tôi lấy phong thư đầu tiên rồi đặt nó lên sàn và đặt ảnh sa mạc mờ lên trên. Tôi đặt phong thư thứ hai bên cạnh nó và đặt tấm ảnh có góc chụp kỳ lạ của góc nhà lên trên và đã làm thế với từng tấm ảnh cho đến khi chúng tạo thành sắp xếp hình lưới khoảng 5X10; tôi luôn được căn dặn phải cẩn thận với mọi thứ mình sưu tầm dù tôi cho chúng không có giá trị.

Tôi để ý thấy những bức ảnh dần trở nên dễ giải mã. Có một cái cây và một con chim đang đậu trên nó, một biển báo giới hạn tốc độ, cáp dây điện, một nhóm người bước vào trong một tòa nhà. Và rồi tôi đã thấy một thứ khiến tôi bất mãn mãnh liệt đến nỗi bây giờ tôi có thể, khi tôi viết điều này, nhớ rõ ràng mình đã cảm thấy chóng mặt và chỉ có thể lặp lại một suy nghĩ duy nhất:

“Tại sao mình lại ở trong ảnh này?”

Trong tấm ảnh có nhóm người đang vào một tòa nhà tôi nhìn thấy chính mình đang nắm tay mẹ ở phía sau nhóm người kia. Chúng tôi ở rìa tấm ảnh, nhưng nó không thể chối cãi chính là chúng tôi. Và khi mắt tôi bơi trong đại dương Polaroid đó, tôi càng trở nên lo lắng hơn. Nó là một cảm giác kỳ lạ – nó không phải sợ hãi, nó là cảm giác khi bạn biết bạn đang gặp nguy hiểm. Tôi không chắc vì sao mình đã bị tràn ngập bởi cảm giác đó, nhưng tôi ngồi đó bối rối với cảm giác rõ rằng mình đã làm sai điều gì đó. Và cảm giác này chỉ càng tăng lên khi tôi xem lại những tấm ảnh còn lại sau tấm ảnh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tôi kia.

Tôi có mặt ở trong mọi tấm ảnh.

Tất cả chúng đều chụp ở rất xa. Không có tấm ảnh nào chỉ mình tôi. Nhưng tôi ở trong từng tấm ảnh đó – ở ngoài rìa, phía sau, dưới khung. Một số chúng còn thậm chí chỉ có một phần nhỏ của mặt tôi trong ảnh, nhưng, tôi đã luôn ở trong chúng.

Tôi không biết phải làm gì. Tâm trí của một đứa trẻ luôn hoạt động một cách hài hước, nhưng một phần trong tôi đã sợ sẽ gặp rắc rối vì vẫn còn thức. Do tôi đã có cảm giác sợ vì đã làm sai, tôi quyết định mình sẽ chờ đến sáng.

Ngày hôm sau, mẹ tôi nghỉ phép ở nhà và dành hầu hết buổi sáng lau dọn nhà. Tôi xem hoạt hình, tôi nghĩ thế, và chờ cho đến khi tôi nghĩ là thời điểm tốt để cho bà thấy những tấm ảnh Polaroid. Khi bà đi ra lấy thư, tôi đã lấy ra một vài tấm ảnh rồi đặt chúng lên bàn trước tôi khi tôi chờ bà quay lại. Khi trở lại vào nhà, mẹ tôi đã mở hết thư và ném một số thư rác vào sọt rác và tôi nói,

“Mẹ ơi, mẹ đến đây được không? Con có những tấm ảnh—“

“Chờ mẹ một chút nha cưng. Mẹ cần phải đánh dấu vài thứ vào lịch.”

Sau một đến hai phút, bà bước đến và đứng bên tôi rồi hỏi tôi cần gì. Tôi nghe thấy tiếng mẹ mình đang sắp xếp thư ở sau tôi và tôi chỉ nhìn vào những tấm ảnh Polaroid rồi kể về chúng. Khi tôi giải thích thêm rồi chỉ vào hình, những từ “uh huh” và “ừm” giảm dần, và bà đột nhiên im lặng hoàn toàn rồi sắp xếp thư chậm hơn. Âm thanh tiếp theo tôi nghe được mẹ mình thốt ra như thể bà đang cố hớp hơi trong một căn phòng không còn không khí. Cuối cùng, tiếng thở hốt hoảng khó khăn của mẹ tôi chiếm hữu và bà đã ném những lá thư còn lại lên bàn rồi chạy đến bếp rồi lấy điện thoại.

“Mẹ ơi! Con xin lỗi, con không biết gì về chúng cả! Đừng giận con!”

Cầm tai nghe điện thoại đang áp vào tai trong khi bước/chạy tới lui và hét lớn vào nó. Tôi bồn chồn vọc những lá thư bên cạnh những tấm ảnh Polaroid của mình. Phong thư trên cùng có gì đó nhô ra từ nó mà tôi đã không nghĩ ngợi nhiều và thận trọng kéo cho đến khi nó trượt ra hoàn toàn.

Nó là một tấm ảnh Polaroid khác.

Cảm thấy khó hiểu, tôi nghĩ có thể bằng cách nào đó một trong những tấm ảnh Polaroid của tôi đã vô tình trượt vào xấp thư khi bà ném chúng xuống bàn, nhưng khi tôi lật nó lại và nhìn thì tôi nhận ra mình chưa thấy ảnh này bao giờ. Kinh hoàng, đó chính là tôi, nhưng đây là góc chụp gần hơn. Xung quanh tôi là cây cối và tôi đang cười. Nhưng đó không chỉ có tôi. Josh cũng đã ở đó. Đây là chúng tôi trong ngày hôm qua.

Tôi thét lên gọi mẹ khi bà vẫn đang la hét vào điện thoại. Tôi liên tục gọi cho đến khi mẹ cuối cùng trả lời

“Cái gì?!”

Và tôi chỉ có thể hỏi, “Mẹ đang gọi ai thế?”

“Mẹ đang nói chuyện với cảnh sát, con à.”

“Nhưng tại sao? Con xin lỗi. Con không có ý làm gì…”

Câu trả lời của mẹ, tôi đã không hiểu cho đến khi tôi bị buộc phải nhớ lại những sự kiện này từ những ngày đầu của cuộc đời tôi. Mẹ tôi cầm phong thư ấy khỏi bàn và tấm ảnh của Josh và tôi rơi và trượt xuống cạnh những tấm ảnh Polaroid ở trước tôi. Bà cầm phong thư trước mắt tôi nhưng tôi chỉ có thể nhìn mẹ khi thần sắc trên gương mặt bà dần không còn. Nước mắt rưng rưng, mẹ tôi giải thích rằng phải gọi cảnh sát vì nó không có tem thư.

Phần 3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *